Lực lượng lao động giảm và già hoá đe doạ kinh tế Nhật Bản
Số dân trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm còn hơn 75 triệu người vào năm ngoái, thấp hơn 13,9% so với mức đỉnh thiết lập vào năm 1995. Tình trạng suy giảm và già hoá của lực lượng lao động đặt ra một yêu cầu cấp bách đối với nước này phải tăng năng suất lao động để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng.
Tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia dẫn số liệu thống kê dân số công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho biết vào năm 2022, đất nước mặt trời mọc có số dân trong độ tuổi 15-64 ít hơn so với thời điểm năm 1975. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1950 nhóm dân số này của Nhật Bản chiếm dưới 60% tổng dân số, chỉ đạt mức khoảng 59,5%.
Vấn đề dân số lão hoá đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Nhật Bản trong những năm tới. Các doanh nghiệp ở nước này vì vậy phải dựa vào công nghệ và các biện pháp khác để ứng phó với sự thiếu hụt lao động được dự báo sẽ là ngày càng trở nên trầm trọng.
Trong thập kỷ qua, ảnh hưởng của dân số suy giảm đối với lực lượng lao động của Nhật Bản đã được bù đắp bởi sự gia tăng của số phụ nữ và người cao tuổi tham gia lực lượng lao động, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế nước này. Cuộc khảo sát lực lượng lao động vào năm ngoái cho thấy số người Nhật Bản có việc làm là 66,76 triệu người, tăng 6% so với cách đây 1 thập kỷ.
Vào tháng trước, công ty bán lẻ hàng điện tử Nojima đã xoá bỏ giới hạn tuổi lao động là 80 tuổi, sử dụng cả những nhân sự có độ tuổi trên 80 theo hợp đồng có thời hạn 1 năm nhằm giữ chân những lao động kỳ cựu giàu kinh nghiệm. Công ty sản xuất khoá quần áo YKK Group cũng đã xoá bỏ giới hạn độ tuổi 65 đối với nhân viên toàn thời gian.
Tuy nhiên, nếu không cải thiện năng suất lao động, việc tuyển dụng thêm người ở các nhóm có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động còn thấp sẽ chỉ có tác dụng được đến như vậy trong việc chống lại sự suy giảm tổng thể của dân số trong độ tuổi lao động.
Năng suất lao động ở Nhật Bản đã tăng chậm nhưng vững trong thời kỳ thực thi kế hoạch chấn hưng tăng trưởng kinh tế của cố Thủ tướng Shinzo Abe, với mức tăng bình quân hàng năm 1,1% trong thời gian từ 2012-2019.
Tuy nhiên, giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân mỗi lao động trong 1 giờ làm việc của Nhật Bản là 48,14 USD, thấp nhất trong số các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và thấp hơn mức bình quân khoảng 54 USD của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng hao phí lao động - thay đổi trong số nhân công được sử dụng hoặc số giờ làm việc - hầu như không có đóng góp gì trong tăng trưởng năng suất lao động ở nước này trong thập niên 2010. Trong khi đó, yếu tố này đóng góp bình quân mỗi năm 0,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng năng suất lao động ở Nhật Bản trong thập niên 1980.
Với xu hướng dân số của Nhật Bản như hiện nay, tăng trưởng năng suất lao động dựa vào các yếu tố căn bản gần như sẽ là điều không thể. Thay vào đó, nước này sẽ phải dựa vào công nghệ kỹ thuật số và những tiến bộ như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh tự động hoá để giảm bớt việc sử dụng nhân công. Hãng bán lẻ Walmart của Mỹ đang bổ sung robot tự hành cho các trung tâm phân phối và sử dụng xe tải tự lái để vận chuyển hàng hoá.
Ở Nhật Bản, các cửa hàng tiện ích - một lĩnh vực vốn thiếu nhân lực kinh niên - đang kêu gọi cho phép bán thuốc lá và rượu tại những cửa hàng không có nhân viên. Việc kiểm tra tuổi của khách hàng để bán những mặt hàng này sẽ được tiến hành bằng công nghệ từ xa. Ngoài ra, ở nước này cũng đang có những lời kêu gọi bãi bỏ quy định các dự án xây dựng quy mô nhỏ cũng phải có người quản lý tại công trường.
Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến khích nhân lực trình độ cao chuyển sang làm việc ở những lĩnh vực có năng suất cao là một việc quan trọng. Công việc trọn đời tại một công ty duy nhất vẫn đang là thông lệ tại hầu hết doanh nghiệp ở Nhật Bản, và điều này được khuyến khích bởi chính sách thuế cùng các chính sách khác của chính phủ nước này.
Thống kê dân số mới nhất cũng cho thấy rõ tình trạng lão hoá của dân số Nhật Bản. Số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã lên tới 36,03 triệu người, chiếm 28,6% trong tổng dân số 126 triệu người - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Nhóm từ 65 tuổi trở lên vượt qua số người có độ tuổi từ 14 trở xuống lần đầu tiên vào năm 2015, và chênh lệch giữa hai nhóm đã lên tới 3,57 triệu người vào năm 2020.
Nguồn: TBKTVN