Hãng chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc báo lãi bốc hơi 80%
SMIC cho biết thu nhập ròng quý III đã giảm 80% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm 64% trong quý II/2019. Hãng chip Trung Quốc ghi nhận doanh thu quý III/2023 đạt 1,62 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thu nhập ròng trong kỳ đạt 93,98 triệu USD, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 165,1 triệu USD.
Đối với doanh thu quý IV/2023, SMIC kỳ vọng con số này sẽ tăng từ 1% đến 3% so với quý III.
Là xưởng đúc chip lớn nhất Trung Quốc và chuyên sản xuất chip bán dẫn do các hãng khác thiết kế, SMIC được xem là niềm hy vọng chính cho tham vọng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và bắt kịp các đối thủ như TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc), ngay cả khi Mỹ tiếp tục hạn chế công nghệ sản xuất và xuất khẩu chip của Trung Quốc.
Tại cuộc họp trực tuyến thông báo tình hình tài chính ngày 10/11, đại diện SMIC cho biết: "Tại thị trường Trung Quốc, vấn đề tồn kho sản phẩm tăng cao từ quý III năm ngoái đã giảm bớt và lượng hàng tồn kho đã giảm xuống mức tương đối lành mạnh". "Tuy nhiên, hàng tồn kho của khách hàng Mỹ và châu Âu sẽ vẫn ở mức cao lịch sử".
Nhu cầu liên tục sụt giảm đối với một số loại chip dành cho sản phẩm điện tử tiêu dùng, chẳng hạn như bộ nhớ, đã ảnh hưởng xấu đến SMIC cũng như các đối thủ châu Á như TSMC và Samsung.
Người tiêu dùng đã cắt giảm mua sắm hàng điện tử tiêu dùng khi lạm phát tăng cao. Hậu quả là các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính đã phải vật lộn với lượng tồn kho chip dư thừa và giá chip nhớ giảm.
SMIC cho biết lượng tồn kho chip ô tô của hãng này "hiện ở mức tương đối cao sau khi nguồn cung thiếu hụt trong ba năm” và điều này đã khiến các khách hàng lớn “thu hẹp đơn đặt hàng".
"Sau hơn một năm thăng trầm trên thị trường, khách hàng đã trải qua sự chuyển dịch từ trạng thái mở rộng mạnh mẽ hai năm trước sang phòng thủ trong năm nay", hãng chip Trung Quốc lý giải.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số bán bán dẫn toàn cầu trong tháng 9/2023 đã tăng 1,9% so với một tháng trước, báo hiệu sự hồi phục của thị trường chip bán dẫn. Trong khi đó, doanh số bán hàng toàn cầu cùng tháng lại giảm 4,5% so với một năm trước.
Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết: "Doanh số bán dẫn toàn cầu tháng 9 đã tăng theo tháng thứ bảy liên tiếp, củng cố động lực tích cực mà thị trường chip đã trải qua trong thời gian giữa năm nay".
"Triển vọng dài hạn về nhu cầu bán dẫn vẫn còn mạnh mẽ, bởi chip bán dẫn tạo ra vô số sản phẩm mà thế giới phụ thuộc vào và tạo ra những công nghệ mới mang tính biến đổi trong tương lai", ông Neuffer nhấn mạnh.
SMIC đã trở thành tâm điểm chú ý nhờ dòng chip 5G "đột phá" dùng cho điện thoại thông minh mà "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei cho ra mắt trong tháng 9.
Bởi lẽ, Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với cả Huawei và SMIC. Năm 2019, Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen thương mại, hạn chế các công ty Mỹ hợp tác kinh doanh với Huawei.
Washington cũng hạn chế quyền tiếp cận của Huawei đối với các chất bán dẫn do nước ngoài sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, đồng thời cấm các cơ quan chức năng tiếp cận sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ của Huawei.
Mỹ cũng đưa SMIC vào danh sách đen thương mại vào năm 2020, hạn chế khả năng tiếp thu một số công nghệ của Mỹ bằng cách yêu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép bán hàng cho hãng chip Trung Quốc.
Động thái vừa qua của Huawei như đòn giáng mạnh vào các lệnh trừng phạt của Mỹ khi mổ xẻ điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới nhất của Huawei đã hé lộ nhiều thông tin quan trọng về dòng chip Kiri900s do SMIC chế tạo với tính năng hỗ trợ 5G.
Chip Kiri900s kích thước 7 nanomet xuất hiện trong điện thoại Mate 60 Pro của Huawei báo hiệu Trung Quốc đang sớm đạt được tiến bộ trong việc xây dựng khả năng tự lực về khoa học và công nghệ khi vượt qua những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Trước đó, các nhà phân tích cho rằng công nghệ của SMIC đi sau TSMC và Samsung vài thế hệ.
Năm ngoái, Washington đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu sâu rộng nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ và thiết bị chip tiên tiến. Những hạn chế này đã cắt đứt SMIC khỏi các thiết bị sản xuất chip quan trọng để tạo ra sản phẩm tiên tiến nhất.
Nguồn: Báo Đầu tư